Cần sửa đổi quy định về độ tuổi kết hôn
- Chi tiết
- Viết bởi Dịch vụ tư vấn ly hôn nhanh, uy tín, giá rẻ
Luật Hôn nhân và gia đình là một trong các văn bản pháp lý quan trọng nhất của Nhà nước ta trong xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam với mục tiêu gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững…
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy, Luật Hôn nhân và gia đình đang tồn tại một số bất cập cần phải sửa đổi, trong đó, có quy định về độ tuổi kết hôn và hậu quả pháp lý của các trường hợp kết hôn không tuân thủ điều kiện theo luật định.
Về điều kiện kết hôn, Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân thủ các điều kiện sau: nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở. Tuy nhiên, chiếu theo quy định của một số pháp luật liên quan thì quy định này chưa có sự thống nhất. Điều 17 của Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Điều 18, Điều 19 Bộ luật này cũng quy định: người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên và người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…
Trở lại với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì quy định độ tuổi kết hôn của nam và nữ tương đương từ 20 và 18 tuổi, chứ không phải là từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc quy định kết hôn của nữ bước sang 18 tuổi được coi là hợp pháp, tuy nhiên pháp luật lại không quy định cụ thể họ có quyền tham gia tất cả các giao dịch liên quan đến tài sản trong hôn nhân. Theo pháp luật hiện hành, nhiều giao dịch (giao dịch về bất động sản, tín dụng…) đòi hỏi chủ thể của giao dịch phải từ đủ 18 tuổi trở lên.
Theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, cá nhân phải đủ 18 tuổi trở lên mới có thể tự mình là chủ thể của quan hệ tố tụng. Trong khi đó, theo Luật Hôn nhân và gia đình, nữ bước sang tuổi 18 kết hôn được coi là hợp pháp và họ được quyền tự do ly hôn. Tuy nhiên, quyền tự do ly hôn của họ không thể thực hiện nếu sau khi kết hôn đến thời điểm có yêu cầu ly hôn họ chưa đủ 18 tuổi.
Một số chuyên gia cho rằng, độ tuổi kết hôn nên quy định là đủ 18 tuổi đối với nữ để khi giải quyết ly hôn tòa có cơ sở để thụ lý. Thực tế hiện nay, có những vụ án ly hôn mà tính đến thời điểm đương sự nộp đơn xin ly hôn, đương sự lại chưa đủ 18 tuổi. Do đó, tòa không có căn cứ để thụ lý, đôi khi phải “chờ” đủ tuổi mới thụ lý vụ án. Đây là một bất cập mà khi tiến hành sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình tới đây cần phải tính đến. Để bảo đảm quyền lợi của đương sự cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật khác, có ý kiến cho rằng trong Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi tới đây cần quy định độ tuổi kết hôn của nam, nữ phải đủ 18 tuổi trở lên.
Bên cạnh quy định độ tuổi kết hôn, hiện nay Luật Hôn nhân và gia đình đang tồn tại một vướng mắc đó là việc quy định hậu quả pháp lý của các trường hợp không tuân thủ điều kiện kết hôn theo luật định. Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu tòa án hoặc đề nghị viện kiểm sát yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại khoản 2 điều 9 của luật này. Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình mới chỉ quy định việc kết hôn không tuân thủ điều kiện kết hôn là trái pháp luật và có thể bị tòa án xem xét, quyết định hủy việc kết hôn đó. Tuy nhiên, Luật chưa quy định cụ thể các trường hợp kết hôn trái pháp luật cần thiết phải xử hủy và những trường hợp kết hôn trái pháp luật không cần thiết phải xử mà cần công nhận hôn nhân cho các bên đương sự.
Tại điểm d, mục 2, Nghị quyết số 02/2000/NQ- HĐTP(23/12/2000) của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: đối với những trường hợp kết hôn khi một bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép là vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại điểm 2 Điều 9, tuỳ từng trường hợp mà mà tòa án quyết định như sau: nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà cuộc sống không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng, thì quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Nếu sau khi bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép kết hôn mà bên bị ép buộc, bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép đã biết, nhưng đã thông cảm, tiếp tục chung sống hoà thuận thì không quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.
Như vậy, khi giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án cần chú ý đến từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định hủy kết hôn trái pháp luật hay công nhận hôn nhân của các đương sự. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn, bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, điều này lại không được cụ thể hóa trong luật nên gây lúng túng trong giải quyết về vấn đề này.
Ngày 26/11/2011, QH đã thông qua Nghị quyết số 20/2011/QH13 về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ Khóa XIII, trong đó dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình được được đưa vào chương trình chuẩn bị. Từ thực tiễn thi hành luật cho thấy đã đến lúc cần phải tiến hành sửa đổi quy định về độ tuổi kết hôn và hậu quả pháp lý của các trường hợp kết hôn không tuân thủ theo luật định là điều hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi của đương sự, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan, đồng thời tạo được sự thuận tiện cho việc thực thi trong quá trình giải quyết vụ án về ly hôn.
Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn ly hôn tốt nhất
Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.
“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN ”
Thông tin luật mới nhất
- Đơn phương xin ly hôn và điều kiện để được nuôi con (30/03/2022)
- Có thể vắng mặt khi Tòa án giải quyết ly hôn (30/03/2022)
- Ly thân đang ngoài vòng luật pháp (30/03/2022)
- Cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi 03 đời (30/03/2022)
- Điều kiện kết hôn trong Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 (30/03/2022)
Thông tin luật cũ hơn
- Giành quyền nuôi con, phân chia tài sản khi ly hôn (30/03/2022)
- Nhân quyền phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài (30/03/2022)
- Nam nữ có được phép sống chung khi chưa đăng ký kết hôn (30/03/2022)
- Tranh chấp nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con (30/03/2022)
- Chia tài sản khi nam nữ không có đăng ký kết hôn (30/03/2022)
- Mẫu đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên (30/03/2022)
- Dịch vụ tư vấn Hôn nhân gia đình (30/03/2022)
- Tổng đài tư vấn hôn nhân gia đình (30/03/2022)
- Tư vấn hôn nhân gia đình (30/03/2022)
- Xét nghiệm ADN cha con, khi ly hôn (30/03/2022)